Hot Line: 0919.842.845

Loãng Xương “Kẻ Thù” Thầm Lặng Của Phụ Nữ Tuổi Mãn Kinh

Tổ chức Y tế thế giới cho biết 1/3 số phụ nữ trên 50 tuổi bị gãy xương do loãng xương. Ở phụ nữ do tình trạng mãn kinh, do thiếu canxi và vitamin D và một số yếu tố nguy cơ (ít vận động, bệnh lý hấp thu và chuyển hóa…) nên quá trình tạo xương không bù đắp được, các hốc xương bị hủy ngày càng lớn ra, xương tuy vẫn được sửa chữa nhưng không hoàn toàn, khối lượng xương giảm dần và cấu trúc xương bị hư hại và loãng xương xuất hiện. 

Loãng xương gây ra rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới sức khỏe và vận động như thường xuyên nhức mỏi các cơ xương. Dù không ảnh hưởng trực tiếp nhưng loãng xương là “kẻ thù” thầm lặng của phụ nữ. Hiểu và phòng các nguy cơ loãng xương là phương pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của mình, đặc biệt là ở phụ nữ tuổi mãn kinh.

lxuong

(ảnh minh hoạ)

Loãng xương và các nguy cơ

Thạc sĩ – Bác sĩ Lê Thị Hải Hà (Phó trưởng khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện Lão khoa Trung ương) cho biết: Loãng xương là tình trạng xương trở nên mỏng, yếu và dễ gãy do bị giảm mật độ chất khoáng trong xương. Loãng xương dẫn đến khả năng chịu lực của xương giảm đi, đặc biệt ở những vị trí như cột sống, cổ xương đùi, đầu dưới xương quay. Loãng xương không có biểu hiện lâm sàng cho đến khi người bệnh bị gãy xương ở bất cứ vị trí nào đó trên cơ thể. Sau khi chấm dứt kinh nguyệt chính là lúc người phụ nữ dễ loãng xương và gãy xương do loãng xương nhất.

loang-xuong-ke-thu-tham-lang-cua-phu-nu-2

Loãng xương được chẩn đoán bằng test đo mật độ chất khoáng trong xương, một dạng chụp X quang đặc biệt. Các triệu chứng của loãng xương gồm giảm chiều cao, lưng còng và dễ gãy xương, nhất là ở khớp háng, xương sống và xương dài ở các chi.

Phụ nữ mãn kinh thường có nguy cơ loãng xương cao do lượng Estrogen sụt giảm nhanh chóng. Estrogen là nội tiết tố của buồng trứng, đóng vai trò tạo nên hình thể và dáng vẻ của phụ nữ. Estrogen có một vai trò hết sức quan trọng bảo vệ cho khung xương của phụ nữ. Tác động của estrogen lên xương là một quá trình tương đối phức tạp: Estrogen thúc đẩy, kéo dài tuổi thọ và làm tăng số lượng của các tế bào tạo xương và estrogen cũng cản trở sự sinh ra các tế bào hủy xương, làm giảm đi quá trình hủy xương. Bên cạnh đó, estrogen tác động lên ruột, làm tăng sự hấp thu canxi trong thức ăn, tăng vận chuyển canxi từ máu vào xương, tăng sự chắc chắn cho xương.

Giai đoạn phụ nữ mãn kinh chính là lúc lượng estrogen trong cơ thể sụt giảm nhanh chóng và đột ngột, mất sự bảo vệ của estrogen nên quá trình hủy xương gia tăng và quá trình tạo xương giảm sút cùng với sự hấp thu và chuyển hóa canxi cũng giảm sút. Đây chính là lý do gây loãng xương sau mãn kinh, cũng là lý do khiến loãng xương xảy ra sớm hơn, nặng hơn và thường gặp hơn ở nữ giới. Loãng xương kéo dài sẽ gây ra các nguy cơ gãy xương và mắc các bệnh về xương khớp.

Chế độ ăn và tập luyện phù hợp với bệnh nhân bị loãng xương

Khi được chẩn đoán bị loãng xương, bác sĩ khuyên người bệnh nên có chế độ ăn uống cũng như tập luyện thường xuyên để tăng cường sự dẻo dai về cơ, tăng cường hấp thụ canxi để gây dựng “quỹ xương” chắc khoẻ.

Khi bị loãng xương bệnh nhân nên hạn chế ăn mặn, đồ ngọt, nhiều protein vì chúng ngăn cản sự hấp thụ calci, làm mất calci hay gián tiếp gây ra hiện tượng loãng xương. Nên chọn sữa loại tách béo, không đường để phát huy khả năng hấp thụ canxi vốn nhiều trong sữa.

Trong các loại đỗ, tránh xa đậu tương. Đây là loại đậu duy nhất chứa chất gây cản trở quá trình hấp thụ canxi. Cũng nên tránh xa rượu bia, cà phê và thuốc lá, những tác nhân làm hao hụt lượng canxi nhanh nhất trong cơ thể.

Thực đơn nên ưu tiên: những thực phẩm có nhiều canxi như tôm cua cá nhỏ, rau có màu xanh đậm, sữa và những chế phẩm từ sữa. Nên bổ sung thêm thuốc hoặc thực phẩm chức năng chứa cả vitamin D và canxi để cơ chế hấp thụ được tốt hơn.

Những bài tập thể dục đơn giản nhẹ nhàng như: yoga, khí công, đi bộ, đạp xe,.. giúp cơ săn chắc tránh những biến chứng về gãy xương. Người bệnh cần tránh những va chạm mạnh dẫn đến gãy xương.

Phòng ngừa loãng xương ngay từ khi còn trẻ

Thạc sĩ – bác sĩ Lê Thị Hải Hà cho rằng: Việc phòng ngừa loãng xương cần được tiến hành sớm, từ khi khối lượng xương bắt đầu có xu hướng giảm (sau tuổi 35) và việc phòng ngừa cần tích cực hơn khi chuẩn bị bước vào giai đoạn mãn kinh.

Đầu tiên là những phụ nữ có tiền sử gia đình bà hoặc mẹ bị loãng xương. Những phụ nữ này được thừa hưởng một bản sao bộ xương yếu ớt dễ gãy từ bà hay mẹ của họ. Thứ hai là nữ giới có kích thước bộ xương nhỏ và khối lượng xương đỉnh thấp hơn nam. Thứ ba tình trạng mất kinh hay mãn kinh ở phụ nữ. Thứ tư là phụ nữ phải trải qua thời kỳ mang thai và cho con bú. Thứ năm là phụ nữ thường hay bị một số bệnh hệ thống như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp. Cuối cùng là đặc điểm cầu trúc và hình thái xương của phụ nữ: Xương bị loãng xương có tình trạng mỏng vỏ xương, rỗ trong vỏ xương, mỏng bè xương và đứt các liên kết gian bè.

Chế độ sinh hoạt, tập luyện, tăng cường hoạt động ngoài trời, tập vận động thường xuyên và phù hợp với sức khỏe góp phần làm tăng độ chắc của xương. Duy trì lối sống năng động, tránh các thói quen xấu như uống nhiều bia, rượu, hút thuốc lá… Dinh dưỡng tốt, đảm bảo nhu cầu canxi, vitamin D cho bà mẹ mang thai, cho con bú, lứa tuổi nhũ nhi, thiếu niên và người trưởng thành. Nhằm tạo nên bộ khung xương đầy đủ lượng khoáng chất cần thiết, đạt khối lượng xương đỉnh tốt nhất khi ở tuổi 30.

Chế độ ăn uống luôn luôn bảo đảm đầy đủ protein và khoáng chất, đặc biệt là canxi. Vì vậy sữa và các chế phẩm từ sữa là những thức ăn lý tưởng cho sự khỏe mạnh khung xương của bạn.

Duy trì lượng canxi đầy đủ qua ăn uống là biện pháp hữu hiệu và rất cần thiết để ngăn ngừa tình trạng loãng xương, đặc biệt là ở phụ nữ, đối tượng có nguy cơ loãng xương cao hơn. Cung cấp cho cơ thể một lượng canxi đầy đủ trong suốt cả cuộc đời giúp cho việc xây dựng và gìn giữ sự khoẻ mạnh của xương.

Related Posts

Leave a Reply